Chủ Nhật, 9 tháng 3, 2014

FACE BOOK



Face Book

Từ Niên Trưởng đến Hậu Duệ
Từ Niên Trưởng đến Hậu Duệ - là một kết nối Tâm Thân tuyệt vời bừng lên từ ánh sáng sáu ngọn nến chiếu lung linh trên nền thép của cây súng và thanh kiếm bên cạnh giòng chữ “Cư An Tư Nguy” nhân ngày kỷ niệm 60 năm thành lập Trường Võ Bị Thủ Đức/Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa . Và cũng là đêm Hội Ngộ Cựu SV Sĩ Quan Trừ Bị, tại nhà hàng Fortune - Falls church, Virginia vào đêm 12 tháng 9 năm 2010 .
Kết Thân - Mỗi cái bắt tay với nụ cười niềm nỡ từ những niên trưởng với các cựu sĩ quan, với các con cháu hậu duệ trong đại gia đình Võ Bị Thủ Đức đã tiếp truyền vào nhau sự nồng ấm thiết thân .
Kết Tâm - Là sự hòa đồng nhiệt thành ý chí vượt khó tiến lên trong hành trình giữ nước kế nghiệp công đức của tiền nhân . Với sự xúc động và cảm kích chân thành qua tâm tình trao đổi giữa ba thế hệ Cha Ông - Anh Em - Con Cháu . Về ý thức trách nhiệm, về nghĩa khí của một quân nhân vì nước mà hy sinh, vì bác ái và nhân quyền mà chiến đấu .
Tâm tư của thế hệ Cha, Chú đã hòa nhập vào sự đồng cảm của thế hệ Con, Cháu . Sự biết ơn trân trọng lẫn nhau là món quà quí giá mà mỗi cựu chiến binh và con cháu nhận được trong cuộc hội ngộ này.
Một hậu duệ điển hình trong cuộc hội ngộ là Trung Tá Tôn Thất Tuấn, một thanh niên Mỹ gốc Việt đang phục vụ trong Quân Lực Hoa Kỳ .
Câu Lạc Bộ Hùng Sử Việt hân hạnh giới thiệu Trung Tá Tôn Thất Tuấn với bạn đọc.

Cao Nguyên
MD Sept 13, 2010

@

Mời quí niên trưởng và bằng hữu xem lời phát biểu của một hậu duệ . Để cảm nhận niềm vui hoài bảo của chúng ta được tiếp truyền nghị lực vào thế hệ trẻ . Với lòng trân trọng :

http://clbhungsuviet.blogspot.com/2010/09/tu-nien-truong-en-hau-due.html

Công Viên Anh Hùng
Công trình tâm huyết sử thi

Trầm Khúc - là những đoản khúc được viết với sự trầm lắng của những giọt nghĩ rơi xuống hôm nay sau va chạm những góc cạnh quá khứ . Cũng có thể từ những ước vọng vói tới những đóm sáng ước mơ về một tương lai xanh mầm nhân ái .
Ngay khi chọn mỗi chuyến đi mở rộng tầm nhìn trên cảnh sắc từ ruộng đồng, núi sông và phố thị . Trong sự miên man giăng tỏa sức sống của Người và Đất trên vùng ngụ cư, những giọt nghĩ về cố hương vẫn gõ đều lên lý ức . Trộn lẫn hoài cảm với hiện thực, vẽ lên bức tranh với sắc màu cảm giác sâu lắng .
Như không gian chạm tới của chiều nay khi đứng ngắm công trình “Công Viên Anh Hùng” tại Thành Phố Midway ở Nam California do Câu Lạc Bộ Hùng Sử Việt đang khởi công xây dựng . Tâm trí tôi lại quay về những bài học lịch sử từ thuở mở nước Văn Lang đến thời định vị pháp chế tự cường của một dân tộc luôn bị thế lực ngoại xâm manh tâm chiếm đoạt và đồng hóa .
Nhìn cái bệ ciment kiên cố với 5 ô trống chờ được gắn lên 5 bảng sắc đúc những giòng chữ nổi ghi tóm lược tiểu sử và công đức của 5 vị anh hùng có công mở và dựng nước từ Quốc Tổ Hùng Vương đến Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ . Lòng tôi dấy lên sự xúc động về những con người luôn nghĩ đến quê Cha, đất Tổ . Họ bền tâm làm việc chỉ với niềm mong ước lưu lại cho những thế hệ tiếp sau cái hào khí của tiền nhân để nhớ đến cội nguồn Việt Nam .
Tôi muốn nói đến các anh chị trong Ban Điều Hành Câu Lạc Bộ Hùng Sử Việt California, đã không ngừng phát huy truyền thống tốt đẹp về nền Văn Hóa Sử Việt Nam .
Trong 10 năm qua, từ khi thành lập đến nay, các anh chị vẫn nhiệt tình truyền bá di huấn của Tổ Tiên,
Nhắc nhở con cháu “uống nước nhớ nguồn” , bảo tồn truyền thống tốt đẹp nền văn hóa Việt Nam qua bốn nghìn năm văn hiến với mọi thể loại sinh hoạt thơ, văn, nhạc, kịch, hội họa, điêu khắc …
Thường xuyên xuất bản những cuốn sách văn hóa sử và giáo dục nhằm góp công vào mục đích hướng dẫn thế hệ trẻ dù sống ở đâu cũng không quên nguồn gốc Tổ Quốc Việt Nam . Để tiếp tục cuộc hành trình của Cha, Ông trong công cuộc đấu tranh vì độc lập tự do của dân tộc .
Lịch sử nhân loại phát triển trên nền tảng công lý nhân bản, thì tư tưởng cực đoan chủ nghĩa sẽ bị thoái hóa theo thời gian . Văn Hóa Sử chính thống như giòng thác khai hóa tư duy xoáy vào và cuốn trôi những phù danh và hư ngôn xảo ngữ của những kẻ vong quốc .
Từ “trầm khúc”, những ý nghĩ sâu lắng của tôi bổng trổi lên niềm ước mơ hòa nhịp vào sự nhiệt tâm của các anh chị trong CLB Hùng Sử Việt trước công trình mang tính sử thi .
Sắp đến khi công trình “Công Viên Anh Hùng” hoàn tất . Đứng nhìn những giòng chữ vinh danh công đức tiền nhân mà thấy được ánh sáng tâm linh dẫn đường vào lịch sử kiêu hùng của một dân tộc . Thấy được niềm kỳ vọng vào thế hệ tiếp sau luôn nhiệt thành tha thiết “Giữ Thơm Quê Mẹ” .
Thời gian không giết chết những ước mơ đẹp và không gian bao la không làm mờ những nụ cười nở trên những ước mơ .
Cám ơn những ước mơ làm nên công trình tâm huyết sử thi – Công Viên Anh Hùng .

Maryland, May 2010
Cao Nguyên

http://www.hungsuviet.us/tintuc/sinhhoat/HinhanhTuongdai.html


Face Book

Phân vân với chuyện Đi, Về?
Từ một góc phố Việt trên xứ người, vào những ngày cuối năm. Tôi (hay bạn) được nghe những mẫu chuyện của người Việt xa quê, quanh chuyện Đi, Về từ nơi mình đang lưu ngụ đến vùng đất quê hương, nơi mình đã sinh ra, hoặc cưu mang sự sinh ra thế hệ tiếp sau chung cùng huyết thống.

Những mẫu chuyện mình nghe được:

Chuyện giữa chú Ba và thím Bảy:
- Chào anh Ba, anh chị vẫn mạnh khỏe chứ?
-Cám ơn chị Bảy, tôi thì cũng ổn, chỉ có bà nhà tôi không khỏe lắm, vì bị cao huyết áp, hay bị mệt nên bớt đi lại nhiều nơi.
-Tuổi già thật là chán anh , ai cũng bị chữ yếu, chữ bệnh làm phiền.
-Thì sinh, lão, bệnh mà. Tết này anh chị có về Việt Nam không?
-Dạ không, anh . Ông nhà tôi với thằng Út vừa đi chơi ở bển một tháng hồi giữa năm. Còn anh chị thì sao? Có về thăm quê Tết nay không?
-Chưa chị à. Cũng tính đi về một chuyến, mười mấy năm xa đất Tổ, quê Cha cũng nhớ lắm.
-...

Chuyện giữa hai người bạn:
-Hello, Tâm!
-Hello Trọng! Cậu đi đâu biệt tăm, lâu quá không gặp?
-Tớ mới đi theo một tour về Việt Nam ba tuần.
-Thì ra thế, sao không chờ Tết hãy về, có phải là phải vui hơn không?
-Có phép thì đi thôi, đâu chờ được. Vả lại mình về chơi cho biết thôi mà. Mình không sinh ở đó, nên mọi thứ lạ lắm. Dù mình nghe bố mẹ kể rất nhiều về Sài Gòn và những nơi hai người đã sống qua. Bố mẹ mình còn có ý định khi về hưu sẽ trở về Việt Nam để sống, với tâm trạng “lá rụng về cội”.
-Thì cũng nên, chim có Tổ người có Tông. Mấy cụ không thích cảnh cuối đời phải gởi thây nơi đất khách.
-...

Những mẫu chuyện bình thường và giản dị như vậy, mình vẫn thường được nghe ở những nơi có người Việt sinh sống. Chủ đề xoay quanh vẫn là chuyện Đi, Về. Dẫu với sự suy nghĩ riêng tư nào thì Việt Nam vẫn là quê hương chính thống của mình. Điều duy nhất tồn tại (trong hôm nay và cả mai này) vẫn là sự không xác quyết về mục đích Đi hay Về Việt Nam?
Từ những mẫu chuyện vừa nghe, liên hệ vào những cảm nghĩ của rất nhiều người về vấn nạn này, như bài "Đi hay Về?" của T. Vấn tôi vừa đọc được trên tạp chí Nguồn (số 30), lại đưa tôi vào những bâng khuâng trong cùng chủ điểm.

“… Về hay Đi ? Về, hay đúng hơn trạng thái tâm linh của một con người nghĩ đến nơi chốn trở về là một miền đất bình yên và quen thuộc, là căn nhà xưa đầy ắp những kỷ niệm thuở ấu thời, là mái hiên đất nện lồi lõm vừa nhìn thấy đã ngửi ngay được mùi rơm khô chất đống sau mỗi mùa gặt dù đã nhiều năm xa cách. Còn Đi hay trạng thái tâm linh của những chuyến viễn du về vùng trời xa lạ, hứa hẹn những điều mới mẻ nhưng cũng không kém phần bất trắc, là cái háo hức của những tâm hồn non trẻ muốn tìm nơi tự khẳng định mình"
"… Về hay Đi, có phải đó là câu hỏi nhói lòng của một thế hệ Việt Nam hiện đang sống rải rác khắp nơi trên thế giới, và sẽ còn là câu hỏi nhói lòng không kém cho nhiều những thế hệ Việt Nam mai sau trưởng thành nơi xứ người" (Đi hay Về ? – T. Vấn)

Đắc ý với bài viết chứa cả tâm trạng của lớp nguòi cùng lứa, cùng thời phải ra đi và muốn được trở về. Gợi tôi đọc lại những điều mình đã viết từ những năm qua với những băn khoăn hằn vết trong tâm .
Từ nửa vòng trái đất, nhìn xuyên đại dương, vẫn luôn thấy bên kia bờ:

"... Bên kia bờ, xưa - đi vào kỷ niệm
những núi sông, đồng cỏ, thác hồ
mái rạ vàng theo chiều đổ nhấp nhô
nghé ngọ về chuồng, em ru điệu nhớ

Bên kia bờ, xưa - mãi là sự sống
theo nhịp rung cảm nhận của anh, em
dẫu muôn trùng xa, không thể nào quên
những hẹn ước, những chân tình gởi lại!..."
(bên kia bờ - thơ Cao Nguyên)

Vậy mà biệt ly, vậy mà xa cách muôn trùng!? Ôi nhớ! Nỗi nhớ ray rứt trong một đời người về quê hương với nhiều hệ lụy :

"... Biệt Ly!
Sao gọi biệt ly?
chân xa Quê Nội
Tâm ghì mộ bia
sáng đi nước mắt đầm đìa
chiều theo hương khói
chung chia cuộc buồn
khuya nghe ai gõ vào hồn
đưa tay hứng giọt
máu hồng còn tươi
dang chân đụng gốc sinh thời
lắt lay tiếng võng
...ầu ...ơi! Mẹ về
Mốt mai hết cuộc xa quê
xác mong nằm ghé
bên lề Cha Ông..."
(biệt ly – thơ Cao Nguyên)

Nên chi lòng vẫn thắt thõm với chuyện Đi, Về để ngắm, để nhìn thỏa thuê vùng đất Mẹ. Và chúc phúc cho nhau bạn ta cùng nỗi nhớ, nhắc cháu con còn đó một trời quê:

"...thuở cha mẹ dắt dìu nhau vượt biển
thuyền xuôi dòng, nước mắt ngược vào tim
mong sông núi nương hồn người linh hiển
giữ cho thơm vĩnh viễn mạch quê hương

chúc phúc cho nhau, khi ta còn nỗi nhớ
mãi yêu thương con đường nhỏ về làng
vẫn còn đó những cánh diều lướt gió
vút lên trời tuổi nhỏ tiếng cười vang!..."
(chúc phúc – thơ Cao Nguyên)

Mỗi khi khung trời mơ khép lại, mỗi trở mình là thao thức theo chuyện Đi, Về :

"... nếu đi mà thong thả
tội đếch chi quay về
cứ nhìn đời đon đả
ta dõi miết đường mê

nếu về mà an tịnh
cần quách gì cứ đi
ngồi lê đời bịn rịn
mê hoặc cõi hồ nghi

Đi, Về - đường khúc gãy
chồi nứt ngọn hoài thai
giấc đời xa ngọt ngậy
cong quắp khối hình hài..."
(gọi điêu tàn thức dậy – thơ Cao Nguyên)

Về đi! Về đi thôi! Ôi nỗi nhớ Huế, Sài Gòn, Hà Nội … rân trong tim bao nỗi bồi hồi :

"... Hà Nội với anh là kỷ niệm
thuở ấu thơ nghịch sóng Hồ Gươm
đốt lá bàng học bài Quốc Sử
thư trao em dòng chữ xuân thì

Hà Nội với anh là nỗi nhớ
Thăng Long - Bặch Đằng - Thê Húc - Cổ Ngư
ba-mươi-sáu-phố-phường
chân chưa dạo khắp
gói cốm sông Hồng đã nhạt múi hương

Hà Nội với anh - Nửa đời trăn trở
lửa bàng reo cháy vở học trò
nước mắt loang nhòa trang sử cũ
muôn dặm đường qua - giấc mộng hờ!..."
( Hà Nội với anh – thơ Cao Nguyên)

"... hất tóc em ngược chiều gió thổi
nhìn vai ngoan vượt nắng qua cầu
quay quắt nhớ, mười hai nhịp đợi
xuôi Nam Giao về Phú Vân Lâu
...
qua Đập Đá tìm về Vỹ Dạ
bao nhiêu năm chưa lạ hàng cau
vẫn quanh quẩn mùi hương tóc sả
Huế chờ em vượt nắng qua cầu..."
(Huế chờ - thơ Cao Nguyên)

"... Sài gòn, Em và chiếc áo dài
dựng trước anh chân dung mùa Hạ cũ
có nắng chen mưa đùa ngọn tóc bay
nghe cánh phượng rơi đầy trong sóng mắt
...
Sài Gòn Xưa, lụa vàng ươm vóc ngọc
mịn hồng da, đuôi tóc ủ vai trần
hăm hở bước nghêu ngao mùa guốc mộc
ngắm thơ tình trên vóc giấy hoa tiên
...
Sài Gòn đam mê với Thơ và Nhạc
trên hành trình khao khát những dòng sông
sức quyến rủ những con đường, góc phố
chảy dọc đời tóc bạc hóa mây xanh

Sài Gòn ơi! thương quá tiếng Em, Anh
biết dỗ ngọt suốt bốn mùa hoa, trái
áo dài Mẹ, em vẫn còn giữ mãi
từng đường thêu dấu ái vẫn còn xinh..."
(Sài Gòn – Em và chiếc áo dài – thơ Cao Nguyên)

Bằng ấy những nỗi nhớ về quê hương chất đầy trong ký ức. Bạn nói đi, làm sao tôi chẳng mong Về? Dẫu trong lòng còn nỗi phân vân:

"mai Về
chứ chẳng phải Đi
Đi là hồi nẳm,
tưởng Đi không Về

phân vân
mãi chuyện Đi, Về
làm sao lòng biết
chắc Về hay Đi

quê nhà
hương hỏa, triều nghi
tổ tiên hiển hiện
sao Đi không Về

quẩn quanh
đau cuộc sơn khê
người cho tôi biết
nên Về hay Đi

Việt Nam!"
(phân vân - thơ Cao Nguyên)

Trả lời chưa được từng ấy câu hỏi. Liệu lòng mình có thanh thản khi Về nơi còn nặng lòng với "hương hỏa, triều nghi"? Thời gian đang cuối bờ Tháng Chạp, Tâm đang giữa vòng luận thức Về, Đi. Đành tản mạn vài dòng cho thỏa chút tâm ý nghĩ về quê hương tuyệt vời xa tít đó!

"tháng Chạp rồi sao? Ồ sắp Tết
một năm đi, thêm một tuổi về
còn lại chi, những gì sẽ hết
trong cuộc đời lữ khách xa quê?

tháng Chạp đến, Đào Mai chớm nụ
thôn xóm vui chợ búa rộn ràng
mùi bánh mứt thơm lừng góc phố
trẻ con khoe áo mới đầu làng!

tháng Chạp về, những ngày giáp Tết
thương quá chừng, nhớ lắm quê ơi
những nỗi nhớ chưa hề biết mệt
trong tâm tư suốt một đời người!

cám ơn ai nhắc ta tháng Chạp
để không quên vị Tết quê nhà
dẫu thế sự thăng trầm đã khác
đất chôn nhau ấm lạnh trong ta!"
(Tháng Chạp - thơ Cao Nguyên)

Từ những ý từ hôm nay, tôi xin gởi đến mọi người lời chúc vạn sự an bình khi trước mặt đào hồng, mai vàng rộn nở trong nắng ấm của một mùa Xuân Mới, đợi một trả lời tương thích: Đi hay Về Việt Nam!

Cao Nguyên


Face Book

Tâm Thức
(cho người ngồi ngắm thơ)

Này Em...

Chừng như ở đâu đó, có người gọi anh là "nhà thơ". Và anh đã phải khướt nhận "mỹ từ" này với những người vừa bạn, vừa thân, với 2 chữ "xin đừng". Với lòng biết ơn thâm trọng, dẫu biết đó là
món quà quí hiếm, nhưng rất mỏng manh và dễ vỡ. Bởi trên từng cánh chữ, anh buông nặng hạt đau. Chỉ sợ lời trĩu nặng khua dòng va chạm, bất chợt những chữ và nghĩa anh treo trên trời - gọi là net - rơi xuống chín tầng.
Không phải là địa ngục đâu em. Đừng hoảng! Do quán tính hướng tâm, rồi anh cũng gặp lại chữ nghĩa mình buông, nơi một cõi riêng.
Nếu nói theo một cây viết nữ: "viết là thả cánh diều lên trời, gởi giọt mưa vào đất, tự nó sẽ có nơi đến riêng". Thì "gió mùa em" đã đến nơi riêng... tâm hồn em. Đủ dấy lên sự cuồng nhiệt hồi báo cho một tín hiệu vàng thu theo tiếng rơi của lá uốn quanh vòng thân cây trên đường về cội. Da diết buồn trong nỗi đam mê về sắc thái thu quyến rũ, gợi ý cho phát thảo môt tình khúc mới mà những con chữ tự lăn theo triền dốc nghĩ. Tự nhiên, thanh thoát, gõ dòn theo phiếm cho chữ thoát bay, mang theo cả hơi thở nồng ấm phả vào phiến lá nằm yên trên tảng mây bềnh bồng trong nước, chờ lời ru của gió.
Đẹp vô cùng, và thơ mộng quá chừng. Anh muốn đuổi theo con chữ, ghim ý vào để chiết ra lời thơ cho em nếm đến mê hồn. Như có lần em đã nói với anh: thơ với em như một món ăn cho nhu cầu sống đích thực. Và vậy là em yêu cầu anh làm đầu bếp cho món ăn đó. Đừng đổi món - em nói anh đừng giận - Bởi khi anh đổi thơ ra văn, cái tài nêm nếm của anh quá tệ. Hãy ráng mà theo cái "sở trường" của mình, may ra có ngày anh sung sướng nhặt nhạnh những chữ nghĩa rơi rớt chung quanh đủ xây cho mình một nấm mộ thơ. Biết đâu, những lời lõm bõm của ai đó, gọi anh là "nhà thơ", sẽ trở thành những nét tuyệt vời trên tấm bia trước mộ.
Có thể không em? Hay chỉ là lời dụ hoặc anh chạy theo con chữ của em?
Ừ! Mà biết đâu, nhờ đi theo chữ, anh tìm ra nghĩa của những thanh từ còn ẩn náu trong âm sắc bí nhiệm của Đất và Nước.
Chữ và nghĩa lại hồng lên, nhẹ nhàng, quyến dụ trong tình yêu và hạnh phúc của "người và ta".
Cám ơn em gởi anh một tâm thức mới!

Cao Nguyên

@@

Thư Gởi Bạn Già
Chữ Nghĩa mình có được hôm nay
Rồi cũng theo mây bay về Trời
Vần Điệu Ý Lời mình có
Rồi cũng theo gió cuốn bay!
Sao không từ hôm nay, trên đường vào thất thập, còn chút mừng sắp được “cổ lai hy” mà chong đèn viết tiếp sử thi, đồng thời "ôn cố tri tân".
Đập cổ kính ra tìm lấy bóng
Xếp tàn y lại để dành hơi!
(Thơ vua Tự Đức khóc Bằng Phi)
Nên lắm chứ, phải không người bạn già thân quí ? Dù biết, bạn sẽ bảo ta ngông, cố tình lắp ghép hai tầng tâm thức để ngẫm . Nhưng bạn đâu khác chi ta, đã ngẫm từ Đoạn Trường Tân Thanh đến đoạn trường thất thanh.Từ ngày cơn hồng thủy xô bọn mình dạt vào bờ cõi lạ, biết bao lần nghe tiếng thét thất thanh của những thân phận người bị đánh gục, bị xé nát bởi cuồng phong bão hận! Làm chữ nghĩa phải bật máu, nhỏ xuống lòng đêm những giọt lệ hồng!
Một thời mong làm lính, một đời muốn làm dân – cả hai đều cùng trách nhiệm của một công dân chân chính và lương thiện của một đất nước vốn tự hào có bốn nghìn năm văn hiến, cần bảo vệ – ngặt nỗi lực bất tòng tâm mà lưu vong thất thổ. Để mãi hoài vọng về một cố hương, tiếc giải non sông xanh ngát màu xưa đang bị úa vàng bởi lòng tham vọng của những quyền lực quỉ ám và những đòn thù cực đoan. Đốt cả nhân tâm ẩn tàng trong cổ tích, chôn lấp kinh thư nhân ái thánh hiền. Ta đã mất quyền công dân từ độ nghe tiếng rít rợn người của cửa tù thế kỷ. Một cuộc hủy diệt đến tận cùng hơi thở của di ngôn chân thiện cha ông gởi lại. Để nghe đau lời hổ nhớ rừng của Người Thế Lữ:
Gậm một mối căm hờn trong cũi sắt
Ta nằm dài trông ngày tháng dần qua!
Ngày tháng dần qua, nhẩn nha qua, nhuộm tóc ta màu bạc. Bạc cả lòng hào phóng tình người. Thấy trong cõi Đi, trong cõi Về những con đường huyễn hoặc. Nên mỗi giấc mơ cứ dấy lên niềm khao khát sống, như thể ta đang trong những giờ phút cuối của cuộc đời tiếc nuối những tàn phai! Để thêm một lần quật cường đi trong lửa bới tro tìm bảo vật. Những bảo vật linh thiêng được ghép từng mảnh chữ thế nhân còn sáng nghĩa thuần thành với niềm khát vọng giữ thơm Quê Mẹ.
Trời đang vào Thu, màu thu buồn bàng bạc, làm chùng tâm lữ khách:

gió xoáy ngang đêm, rừng chợt thức
nghe lá xa cành, hối hả rơi
xuyên sương mờ ảo trăng treo lệch
vạc thả lời thu rớt cuối trời

rớt xuống chùng sâu tâm lữ khách
những giọt lòng đau mấy khoảng đời
quê xưa lửa hạ bùng nhen dậy
thấp thoáng trùng xa mộng giấc tôi

giấc gõ lưng trời muôn nhịp phách
tấu giữa rừng thiêng tráng khúc ca
thơ nung lửa hạ ru lòng khách
gió quất thu sầu xé nát hoa!

Thật sự ta đang giữa đêm của đầu thế kỷ 21, trên cầu truyền thông gởi tâm tình đến bạn vẫn với niềm lạc quan “trăm năm còn phía trước” để giữ ngọn bút đi giữa thăng trầm không chao, nghêu ngao những trầm khúc cho ta và cho người còn chút tình hào sảng.
Hôm qua, nhân đi tìm những “cảo thơm”, ta thấy những mảnh chữ của ta ai đó thương tình đem máng trên những vách trời trong cõi hằng hà chữ. Ta vui quá, bèn mét với người bạn trẻ. Bạn trẻ cười chúc phúc cho ta! Như ta đã từng chúc phúc cho bạn:
chúc mừng anh có những đứa con ngoan
gia tài lớn, chắt chiu từ sữa mẹ
vượt gian khó, lòng kiên trì mạnh mẽ
nuôi thơm xanh - thế hệ mới vào đời

nối tiếp bước cha ông, cùng đi tới
hãnh diện mình là giòng dõi Lạc Long
từng chặng đi, ngoảnh mặt nhớ phương đông
truyền tiếp lửa thắp hồng nôi văn hiến

Bạn không thể không vui cùng ta, như bạn không thể không vui với cái tuổi về hưu, được ẩn cư trong niềm tin yêu của bằng hữu . Thỉnh thoảng ghé thăm uống chén trà thơm, gặp bữa ngẫu hứng thêm ly rượu đỏ, kháo chuyện nhau về nợ bút nghiên . Vẫn là thứ nghiệp dĩ sao nặng trằn trằn trong trí chưa rơi ? Mà rơi thì đã sao, đếm quanh còn mấy thằng bạn cùng ta ngồi sum họp như thuở cây đàn trên vai, quyển thơ trong áo trận . Biết phù sinh vẫn cười hí hửng, nghe đạn bay vẫn đứng ngang tàng .
Khi không buông mà rơi mới buồn thấm thía, vết cắt không vì dao, vì đạn mới ngẩn ngơ lòng, chợt hỏi vì sao? Câu hỏi đơn giản, trả lời không dễ . Như hòa bình vẫn mong mà khi nó đến, lại thấy sự nghiệt ngã rộng vô bờ, mà nhân ái nhỏ như hạt bụi .
Bốn mùa vẫn quay, quay theo chiều cổ điển, vẫn lợi danh sùng kính trong tầm mắt con người. Làm ta thèm một chuyển mùa có thể, trước khi khép tròn cõi tạm một vòng tử sinh!
Và thế là hứng tình ngoáy bút, tưởng được thong dong giòng chữ chân truyền . Hóa ra cũng lòng ta tự vấn:
vấn quân
đời vẫn phong trần
bút nghiên đâu lẽ bâng khuâng niệm từ
duyên còn hồng ánh chân như
lẽ nào vần điệu cổ thư mặc trầm!

Khát lắm, nhưng chữ thiếu ngọt ngào nên khó nuốt . Lời muốn nhẹ bay mà ý cứ mặc trầm . Chẳng phải vừa rồi bạn nói với ta: đọc “hoang tưởng” của nhà ngươi nghe đau lắm . Cũng mong chỉ là hoang tưởng, không là khải thị tiên tri:
đông với tây mây vẫn màu huyết dụ
báo động nhân gian cơn lũ hận thù
đêm nghe thú hú vang trời gọi lửa
đốt bình yên thiêu rụi cả mặt trời

Có lẽ ta không thoát khỏi cái bóng bi quan ám ảnh:
Đất không Nước và ta người tàn phế
Với hai tay không thể chạm quê hương!

Bạn giúp ta làm sao thoát được thứ ám ảnh của dụ ngôn, làm sao như Người Nguyễn Đức Quang hát vung lời “Ngạo Nghễ”. Khi trời đất chuyển mùa, ta chỉ tay vào mặt trời rằng: rót thêm giọt nắng cho xanh lá tình!
Thư bất tận ngôn, dẫu ta tận lòng ký thác thêm cho bạn một trầm khúc trong chuỗi tự truyện của chính ta đang khi lãng du trên thềm đời hóa thạch!
Ơi những người bạn trẻ, trên hành trình về với Cội Nguồn, nhớ giúp bọn ta chạm mạch Quê Hương . Ân sủng đó là thánh tích hóa khai trầm khúc thành những giòng nước mà trong hoang tưởng ta vẫn mong cầu: nước thời gian chảy thấm mạch yêu thương!

MD Oct 01,2010
Cao Nguyên

@@@

Xuân Thơ

Bên này bờ đại dương nhìn về quê hương vào mỗi cuối Đông lòng cứ nôn nao. Mùa Xuân Bên Ấy thế nào hỡi em?
gọi em môi hồng của nắng
viết lời tình khúc vào Xuân


Nỗi háo hức của tôi mong một chuyển mùa từ Đông vào Xuân có nắng ấm, hoa tươi với tình đời nhân ái. Chứ không phải trong tâm trạng người lữ khách đi Tìm Lại Xuân trong khu rừng phong trụi lá nơi vùng Đông Bắc Mỹ buổi tàn Đông với nỗi băn khoăn:
có gì vui
trên bước lưu vong
có gì vui
trên miền đất lạ
có gì vui
trong Tết xa nhà
có gì vui
bạn bè trôi nổi
có gì vui
trong men rượu cay!
Đã Tháng Chạp ta, cây trong rừng phong vẫn khẳng khiu, cành trơ trong gió xoáy, chưa thấy mầm nào đang nẩy chồi xanh.
Sương vây trắng quanh ngọn nắng đầu ngày, mà cũng đủ lóe lên tia sáng tin yêu và hy vọng. Niềm hy vọng Em Mãi Là Mùa Xuân trên Thảo Nguyên xanh với những cụm hoa dã quỳ vàng mượt, cuốn hút thơ tôi vào mộng đời xanh. Thơ xoãi bước thong dong từ cao nguyên về biển để ngắm những hạt pha lê cát bám bờ vai nâu thấm mặn trùng dương. Thơ tiếp bước về phố thị tìm hương hoàng lan thoang thoảng trên làn tóc mịn. Bằng ấy dáng xưa đơm mùa Xuân tuổi ngọc. Nhưng:

nắng lên mà rét chưa buông
nên hoa chậm mở cánh vườn Xuân em!
Chiều cuối năm, mở cửa ra hiên cầm chai rượu hồng bám đầy tuyết trắng, tôi lại thèm uống giọt nắng xưa vào mùa phượng trô. Uống ngụm rượu lạnh thơm mùa dâu chín, đâu đủ độ say sao lòng chao nghiêng trong mùa Đông băng giá xứ người! Tạo nên ảo giác một cuộc hẹn tương phùng cùng em trên vùng đất hứa:

mai em nhé mình về nơi ấy
anh ươm thơ trên môi em ngoan
nghe khúc khích tiếng cười trẻ dại
nũng nịu em bay theo diều hồng

em có thấy một dòng sông mới
dâng phù sa vào gốc mạ thơm
trên cánh đồng anh vừa nghĩ tới
không hề lưu dấu vết căm hờn
Khuấy trộn mùa quanh cho trí lẫn vào tiềm thức, bật lên nỗi nhớ da vàng bọc huyết thống Văn Lang. Quấn quít dòng thơ chảy ngược từ tâm thức tràn lên ngõ mắt găm chữ vào từng bước lưu vong. Từng bước xoãi dài từ quê nội ra quan ngoại gói ghém theo nỗi nhớ ngút ngàn về phố chợ quê tôi mùa Tết ngày xưa. Nhớ từng gánh hàng hoa trong phiên chợ sớm, nhớ từng màu mức và trái cây tươi khoe sắc dưới lung linh ánh nến trên bàn thờ Tổ Tiên. Nhớ cả mùi hương trầm và khói pháo từ nhà ra ngõ của làng, của phố, của một quê hương nặng nghĩa ân tình.

về thôi, Tết đã đến rồi
Mẹ chờ đun lửa canh nồi bánh chưng
Cha chờ rót chén rượu mừng
đêm chờ ngày mới núi rừng rộ hoa

về thôi, ừ nhỉ, về đi
để xem Hồng Lĩnh, Ba Vì còn không
Cao Nguyên còn bạt ngàn thông
Miền Tây còn những tấm lòng rất Thơ

Sự rủ rê mơn trớn hồn thơ từ háo hức đến nghẹn ngào . Ôi ngàn thông xưa nơi cao nguyên đang hóa đá . Hồng Lĩnh, Ba Vì nay đã rêu hoang! Nên mãi Thơ chờ Xuân nở hừng đông trên mặt đất để được:
uống no một bữa khát khao
nước nguồn sông Mẹ ngọt trào đáy tim
nghe không em! triệu lời chim
reo vui tấu khúc Bình Yên Lạc Hồng!

Những thân thương chỉ còn trong luyến nhớ, bởi cánh tay trần đâu đủ dài chạm tới dấu yêu xưa. Đành dùng cành tay thơ vói qua hoài niệm để chạm mùa Xuân. Chạm vào mạch đất quê mình đã lưu vong từ thuở còn lê la sau cuộc đổi đời, đến lúc phải ra đi thoát khỏi những đòn thù hung hiểm của bạo lực. Những đòn thù đập nát tình người, vùi chôn phẩm giá. Tàn phá cả một nền văn hóa Việt Nam vốn được xây trên nền tảng gia giáo và lễ nghĩa!

Nỗi khắc khoải nhớ thương Quê Mẹ đối với người lưu vong, quật xuống dòng thơ những vết hằn u uẩn! Cho dẫu tôi đã chọn hướng nhân bản cho chữ nghĩa bước đi, đau thương và chua xót vẫn ẩn sau mặt nổi của Thơ. Viết từ quán triệt mà đọc như mặc niệm ngôn từ. Cánh thơ rũ xuống ngấm vào mạch đời những trầm khúc đau lòng. May còn chút hương thơ tỏa trong gió viễn phương nối nhịp tình người giữa hai bờ Đông Tây tạo nên nét sử thi làm quà giỗ Tết:

mùa Tết mà rưng cay khoé mắt
phải anh vừa nhắc chuyện Mậu Thân
Huế chít khăn sô buồn thấm đất
mưa phùn phủ trắng mộ đời hoang

Để Thơ không lịm chết khi mùa Xuân hoài vọng chưa về. Tôi phải nhờ dáng thơ làm cứu cánh, giúp tôi đi nhẹ hẫng bước đời trên hành trình tìm lại mùa Xuân Văn Lang của giòng giống Lạc Hồng.
Thơ không chết vì Xuân còn sống mãi
Đời lại vui từ ấy có Xuân Thơ!

Cao Nguyên
Bắc Mỹ cuối Đông 2011


Diễn Đọc: https://www.box.com/s/7zc5omak2l8ys7v5a0j6


Face Book

Ẩn Cư
mai anh cùng chữ ẩn cư
rảnh, mời em ghé cội từ thăm anh
qua vừa quá quãng âm thanh
sẽ nghe chuông tịnh gõ cành liễu sương

giọt rơi thánh thót vô thường
mở ra lối dạo trong vườn chân như
trà đàm nơi quán đạo thư
thơ chờ em ướm bút từ phổ thanh!

***

Em,

Nếu mai kia, mốt nọ; anh thực sự có một nơi chốn để ẩn cư. Anh mong còn có cơ duyên hạnh ngộ với em.

Khi em đến, anh đưa em dạo qua khắp lượt những thanh cảnh, rồi mời em vào "đạo quán" uống trà, đàm đạo về những lẽ ta đi trên những con đường phải trải, về lẽ ta về những nơi chốn hằng mong!

Vào "đạo quán", nói thì nghe to tát như vậy, thực ra chỉ là vào một chái hiên, có cái bình phong là những cành trúc đan xen nhau, với lá biếc xanh ôm từng lóng trúc vàng óng mượt.

Mới giả dụ thôi mà anh thấy cả một khung cảnh tuyệt vời, có thể ca tụng đời với những dòng thơ cảm thụ về một nơi chốn vô hằng mà muốn có. Mà có ai cấm được mình những ước mong muốn có, phải không em? Như hương vị trà anh mời em nơi đạo quán, có thể sự mẫn cảm nhắc em nhớ lại một làn hương nhẹ khó quên - hương sen! Phải rồi, hương sen của hồ Tịnh Tâm, nơi mà em mong nhìn thấy lại cả bóng mình cùng với búp sen hồng trong sóng nước lung linh những cụm mây. Cái khung trời thơ ấu xa lắc đó mãi vương hoài trong nỗi nhớ tụi mình.

Thuở Ấu đã xa, thì giữ Thơ ở lại cho ta còn chút thi vị của đời. Và vậy là anh cùng chữ ẩn cư, và chỉ có chữ mới làm em nhớ lại, hay khi em về thăm, sẽ thấy như chính mình đã từng ở đấy, bên anh. Như bây giờ, em vẫn bên anh trong cái cõi riêng - cõi phối âm của chữ nghĩa vô hình mà say đắm.

Mỗi ngày, một chút lãng đãng trong thơ, cũng là hạnh phúc - nguồn hạnh phúc ngoài tầm hủy diệt!

Cao Nguyên

Nghe Diễn Đoc:

http://mientaongo.org/radio_mtn_online/RADIO_MTN/2011_02_12_ChuongTrinhGiaiDieuMuaXuan/24.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét