Cao Nguyên
Cao Nguyên - Anh là ai?
Ừ nhỉ! Đã nhiều lúc có ngưỡi hỏi như vậy.
Có thể, Bạn đã gặp Cao Nguyên từ bốn-mươi-năm trước trong Cổ Thành Pleime, hoặc trên một góc rừng già của cao nguyên Lâm Viên, trên một bến sông của miền duyên hải Trung Phần Việt Nam.
Nhưng thời gian và nơi chốn có gì quan trọng?
Tôi chỉ muốn không nhắc mà vẫn nhớ những mùa Trăng xao xuyến lòng người, những ngọn lửa đốt đời thành tro bụi, những ân tình mãi đuối mắt nhìn theo, những rung cảm tận cùng của nồng nàn và cay đắng ...
Tất cả đó là bối cảnh của một Bến Duyên mà Tôi gặp Bạn - Người Tình và Em . Chung chia những Buồn, Vui, Mặn, Ngọt... trong cái hợp chất Đời vừa có tình hấp dẫn, vừa tri mệnh cưu mang.
Từ chỗ Có rồi Không, Không rồi lại Có của những mối Ân Tình sống mãi ôm, chết không chịu bỏ. Dẫu đó là Hạnh Ngộ của vòng tay ôm, của lời chạm mặt... hay chỉ như tiếng vọng của Tri Âm từ một cõi trời xa nhắn gọi nhau qua âm sắc của ngôn từ... Tất cả đều nhiệt thành và nồng ấm, có thể làm tan mùa tuyết lạnh trên vùng đất tạm dung cho cái Vóc Trần, làm rực nóng lên những tâm hồn chỉ biết thích nghi trong môi trường Tình Yêu và Khát Vọng sống vì Người và Quê Hương.
Cảm khái và khoan khoái trong dòng chảy miên trường Ân Nghĩa, tôi muốn thiết lập một Khu Vườn gieo trồng những hạt giống thiết tha, mời gọi Bạn - Người Tình và Em vào rong chơi trên tình yêu chữ nghĩa với tất cả lòng khoáng đạt của người cầm bút có một tấm lòng và sự nhiệt thành của trái tim vì người và nơi chốn có tiếng ru à ơi của Mẹ ngàn năm bất biến.
Giữa lúc Tâm tôi phác thảo Khu Vườn đó, bất chợt Một-Tấm-Lòng từ một cơ duyên đã đến và giúp tôi thiết lập Khu Vườn mang tên "caonguyen.net". Net chỉ là phương tiện chuyển đạt, Cao Nguyên mới là cái tên mà những người bao năm cũ đã gọi, bây giờ biết nó vẫn còn đây. Vẫn còn cái nhiệt huyết của một bóng người đứng bên Thác Mơ của những hoàng hôn, ngậm trên môi những lời Du Ca, thèm được ngân lên trên nền trời khát vọng vô biên hào phóng tình người.
Cám ơn Một-Tấm-Lòng đã cho tôi thấy lại tôi bên dòng Thác năm xưa, mà âm vang sóng còn thừa sức đưa tôi đi mải miết trong Cõi Ân Tình.
Đã vào đây rồi, Bạn - Người Tình và Em, hãy cùng tôi thoải mái rong chơi trên từng bước chân tình và lòng nhẹ hẩng những thông tục đời thường.
Hãy giúp tôi làm cho Khu Vườn hồng tươi và xanh mát với những loài Hoa mà Bạn đã gieo trồng.
Cám ơn những Tấm Lòng đã đến đây cùng Tôi.
Xin chúc Phúc cho mọi người mãi mãi được Bình Yên.
Bây giờ thì Bạn - Người Tình và Em đã biết rõ Cao Nguyên là ai rồi chứ?
Trân trọng,
Cao Nguyên
Cao Nguyên
Nhân Dáng Cao Nguyên
- Hội viên hội thơ tài tử hải ngoại
- Hội viên văn bút khu vực Đông Bắc Hoa Kỳ
- Hội viên Câu Lạc Bộ Văn Học Nghệ Thuật vùng Hoa Thịnh Đốn
- Chủ Nhiệm Câu Lạc Bộ Hùng Sử Việt/Miền Đông Hoa Kỳ.
http://clbhungsuviet.blogspot.com/
* Tác phẩm :
- Di Bút Từ Mặt Trận (Bút ký - TC/CTCT 1971 với bút hiệu Cao-Nguyên-Việt)
- Thơ (ấn bản điện tử):
* Thao Thức:http://cunglachanduyen.blogspot.com/2012/11/chum-tho-thao-thuc_3106.html
* Huyền Thoại Tình: http://caonguyenviet.blogspot.com/
* Về Nguồn : CD Tho Diễn ngâm: http://www.gachnoionline.org/diendan/index.php?showtopic=4008&st=0&start=0
* Trang Nhà: caonguyen.net
* Thơ và Văn đăng trên các báo, tạp chí và tập thơ (bút hiệu Cao Nguyên):
- Tuyển tập Cụm Hoa Tình Yêu 10 (Hội Thơ Tài Tử Việt Nam Hải Ngoại)
- Tạp chí Văn Học
- Tạp chí Cỏ Thơm, Kỷ Nguyên Mới
- Tạp chí Nguồn, Khơi Nguồn
- Tuyển tâp Văn Học Thời Nay 3, 4, 5, 6, 7...
- Nguyệt San Giao Mùa
- Tuyển tập "phố ảo tình chân" (Việt Báo)
- Báo Người Việt, Sài Gòn Mới, Mai, Sóng Thần...
- Tập thơ "hương thời gian" (30 tác giả)
- Tuyển tập Hoa Sơn Trang ( 28 tác giả )
- Tuyển tập Bến Sông Mây (6/2007)
- Tuyển tập "Cõi Thơ Tìm Gặp" (Nguồn/2009)
* Chủ biên Tuyển Tập "Bến Trăng" với 27 tác giả. Phát hành tháng 2/2007.
* Sinh hoạt thơ, văn trên các Diễn Đàn Online:
Bằng Hữu, Đắc Trưng, Hoa Sơn Trang, Tao Ngộ, Phố Xưa, Phụ Nữ Việt,
TeTet, Việt Báo, Bến Sông Mây,Việt Nam Thư Quán, Cội Nguồn, Miền Tao Ngộ, Trung Tâm ASIA ..
Cao Nguyên
Nghĩ về cuộc đời mình, bỗng nhiên nhớ đến bài hát “ sáu mươi năm cuộc đời “. Cao Nguyên cảm nhận mình đang đến đích với một thực tế 60 năm đang trải qua. Nhìn về trước, thấy cũng xa lắc và dài lắm – hơn nửa Thế Kỷ chớ ít sao – và lại được may mắn sống qua lằn ranh của 2 Thế Kỷ. Cái lằn ranh thách thức sự chịu đựng sức bền bỉ của một con người, can đảm vượt qua các tiếng nổ và những khắc nghiệt của dòng đời để sống còn.
Tuy nhiên, cũng chỉ cần 1 phút để tính sổ cuộc đời trên những con số, vắn tắc chỉ có 3 giai đoạn cho 60 năm đó:
- 20 năm khôn lớn và trưởng thành trên một xứ sở cơ cực, đất cày lên sỏi đá.
- 20 năm vừa vinh dự (tham gia giữ và dựng Nước!), vừa tủi nhục (phản Quốc và bị lưu đày?)
- 20 năm lơ lửng giữa đời trên chính Quê hương mình và trên Miền đất tạm dung.
Xét trên góc độ “ Tuy Nhiên “, cuộc đời dù đã "sung sướng không là bao", vì quá ngắn so với tham vọng làm người.
Mặc dù cơn bão lửa trong mùa Xuân 1975 đã thổi quét mọi thứ bay đi tứ tán, chúng ta đã mất đi bao nhiêu người thân và những người Bạn. Tất cả đã đảo lộn đến chóng măt. Đến nỗi, đôi khi nghĩ đến sự hiện hữu của mình và sự gặp lại những người thân quen, đã có lúc cảm thấy mơ hồ dường như không thật!
Nên chi, khi gặp lại những người Bạn cũ, ta đã ôm chầm lấy họ với nỗi nghẹn ngào. Sự xúc động lắng xuống nhờ những tỉ tê của một dòng tình chảy từ mạch nước quê hương thấm vào da thịt.
Và với những người Bạn mới, đa số chỉ gặp trên cái Duyên "Văn kỳ thanh bất kiến kỳ Hình", vậy mà xem đã là Hạnh Ngộ. Để thấy được sau màn sương bi quan, vẫn còn niềm tin để sống, cho chính mình và cho những Con, Cháu thấy được sự kiêu hãnh của một con người Việt Nam.
Mong là đời còn một chút ý nghĩa khi bàn giao cái tham vọng này lại cho Con, Cháu.
Chính vì sự hãnh diện và niềm tin, tôi đã đi tìm lại những cái nguyên xưa hầu chuyện cùng những người Bạn hôm nay, cùng lúc với những cảm nhận mới trong cuộc sống mà lúc nào cũng cảm thấy còn chưa đủ ấm trong mùa Đông giá lạnh nơi xứ lạ, quê người.
Mời Bạn đi dạo một vòng trong khu vườn nhỏ này, Bạn sẽ thấy đời còn có chỗ đáng yêu trên những thứ rong rêu chát đắng.
Cám ơn Bạn đã chia xẻ với Cao Nguyên một chút cảm nhận . Đồng thời, đã cùng Cao Nguyên chuyển lưu mạch nước từ nguồn Nhân Ái, qua Thơ Văn đi vào tâm thức của cuộc sống hôm nay.
Cao Nguyên
VA 2005
Cao Nguyên
Tôi và Thơ
Qua bề dày của thời gian và những sáng tác mà mình góp mặt trên Thi Đàn, tôi chưa dám nghĩ mình là một "nhà Thơ". Mà chỉ muốn ghi lại những cảm xúc bên dòng cuộc sống đã và đang trải qua, theo công thức ghép nối những con chữ thành những đoạn tâm thư, gởi đến Bạn, các Con, Em và cho cả chính tôi.
Vì những gì tôi viết chưa đủ sức nặng ngang với tầm mức một danh phận. Theo Tôi, Nhà Văn hay Nhà Thơ ngoài những bài viết về những cảm thụ riêng tư, còn phải có trách nhiệm dấn thân bảo tồn cái CHÂN-THIỆN-MỸ của cuộc sống, bao gồm cả mục đích Vinh Danh Quê Hương và Dân Tộc của mình. Vì đó là sự ký thác của Hồn Thiêng Đất Nước vào trái tim mình. Cho mình vươn lên cả Thân xác lẫn tâm hồn.
Thơ Văn bình thường đi thì gọn nhẹ, nhưng Thơ Văn mang một chút trách nhiệm, từng bước đi cũng nặng nề bởi sức ép nghiệt ngã của số phận Con Người và Đất Nước.
Những gì Tôi đã viết về Quê Hương, chỉ như góp thêm chút nước vào dòng chảy nối những bến bờ yêu thương hệ lụy.
Nguồn Thơ của Cao Nguyên chỉ có một chữ TÌNH xuyên suốt:
- Với Quê Hương và Đất Nước: nhiệt thành, tha thiết.
- Với Tình Yêu và cuộc sống: chân tình, nồng ấm.
Tự nói về mình cũng là một sự can đảm cần thiết để thấy mình còn Sống với tất cả sự Tin Yêu. Ít ra là trên những dòng Thơ chân tình viết cho Quê Hương, cho Người và cho mình.
Cao Nguyên
VA 2007
Cao Nguyên
VIẾT
Giống như đi . Từng Chữ - Từng Bước … lưu lại trên đường, trên đời những dấu ấn, từ hăm hở của những ngày mới vào đời trong cái sắc thái hồng tươi, xanh non, mát mịn .
Từng bước đi rộn rã qua thôi thúc của con tim đang độ sung mãn. Từ khởi đầu cuộc hành trình – Tâm huyết rựng đỏ của một bình minh Phương Đông - một tự mãn về Nguồn Gốc dấy lên cái nhiệt tình trung thành, bảo thủ trong khái niệm mình là một “hạt đời" . Được sinh từ trăm-trứng-nguyên-khai. Cái vỏ bọc "hạt đời" chỉ là sự thích nghi với môi trường và bối cảnh sống, trong sự bao quát của thời gian và không gian của thời điểm mà mình hiện hữu. Nên chi cái vỏ bọc từ xanh chuyển sang vàng theo sự biến di của thời gian .
Đã đến lúc tôi nghĩ mình cần viết những gì cần có để mình ngắm lại, thấy được chính mình trên từng bước chân qua. Cũng là nơi mình kiểm lại mình suốt quá trình Nghĩ và Sống, trước khi sự Sống riêng mình được kết thúc . Viết cũng để Cháu Con nhìn vào, biết được Cha Ông nó Nghĩ và Sống ra sao qua chiều dày giữa lằn ranh hai Thế Kỷ 20 và 21, những điều chính yếu về cái "NHÂN" trong cái vỎ bọc " TÔI".
Nghĩ và Đi – Sáu-mươi-năm qua cuộc đời mình, tưởng cũng đã đến lúc tạm phân đoạn trên một chặng đường dài mà bước chân mình đã đặt lên trên từng điểm không gian .
Cứ lấy cột mốc thời gian mà phân định (có tính đến độ dung sai của sự chính xác) vì đó là một chọn lựa tối ưu để qui kết về một giai đoạn sống, trên một không gian mà thời gian lướt trên nó để lại biết bao là dấu tích – mà với tôi quả thật ngậm ngùi mỗi khi nhìn lại – đôi khi rất rõ nét như một ấn tượng khó quên về cả hai trạng thái Bi và Tráng .
Ngay từ khởi điểm – Tôi đi trong trạng thái Tráng, với tất cả lòng hăm hở dù không đúng hẳn. Bởi trong đó còn có mặt tiêu cực cá nhân, như khi cố lo cho được cái giấy hoãn thi hành quân dịch, để tiếp tục cho xong cái “sự nghiệp“ sách đèn, theo cái ý nghĩ nhờ nó mà lập thân.
Nhưng khi đã cầm được cái giấy “hoãn dịch“, tôi lại không muốn “hoãn“ nữa. Có lẽ do cái bản chất không chịu sống thụ động, phần khác do những biến chuyển của thời cuộc tạo sự rối loạn trong cách nhìn và nghĩ về một xã hội đang manh nha sự suy thoái và băng rã trên nền tảng đạo đức và luân lý, có ảnh hưởng tác hại về nguồn gốc Nhân Bản. Phát sinh từ các thế lực ý thức hệ và tham vọng. Thật tình mà nói, lúc đó (những năm đầu của thập niên 60) tôi không hiểu nhiều lắm về chuyện “người lớn“, nhưng trong chính cái "thằng - Tôi", nó đã không ưng.
Vậy là chấp nhận lên đường. Không “hành Văn“ thì “hành Quân“, có sao đâu? Thế là cái mộng làm nhà Văn hay nhà Báo của tôi đã không thành sau cái năm thứ nhất ở Đại Học Văn Khoa .
Bước chân vào ngả rẽ này, dù đã được chọn lựa, ngay từ đầu đã không thấy thoải mái bởi động cơ thúc đẩy là sự buồn chán. Một phần do thế cuộc (mặc dầu sự nhận hiểu này với tôi lúc ấy cũng rất hạn chế), phần chắc chắn hơn là tôi thật sự chán sống trong các Thành Phố. Nơi đang có quá nhiều những xáo trộn mà khả năng làm mất niềm tin trong nhiều tầng lớp, trong đó có sự nhạy bén của tuổi trẻ đang bị cuốn hút vào các công việc, mà hệ quả làm bứt rời và bôi xóa cái nhiệt huyết của họ đối với Quốc Gia Dân Tộc. Bên trong - có quá nhiều những bất trắc, bên ngoài - các hoạt động Quân Sự phải gia tăng để đối phó với Cộng Sản. Sự an ninh trên các vùng quê đang thực sự bị đe dọa, ngay chính tôi, khi nghĩ đến về quê thăm Ba tôi đã thấy không còn an toàn.
Vào thời điểm này, lấy cột mốc thời gian 10 năm làm một đoạn đường mà phân định thì tôi đang ở cuối Con Đường số 2 . Cũng nên mở ngoặc để nói về tên những con đường mà tôi đặt cho trên chiều dài của đời tôi, theo cách khôi hài rất thực với ý của một người anh trong gia đình (anh Xuân Hồng). Theo đó, hiện nay tôi đang bước vào đầu Con Đường số 6 (khởi điểm vào năm 2005.
- Đường Số 3: Sau khi rời khỏi Trường Sĩ Quan Thủ Đức (khóa 22) và 6 tháng chuyên ngành. Cuối năm 1965, tôi đặt chân lên vùng Tây Nguyên Việt Nam. Từ trên máy bay nhìn xuống là các Thành Phố nhỏ nằm trong các thung lũng được bao quanh nó bằng những dãy núi đồi trùng điệp. Sau này nhiều người đã gọi đó là những "Phố Núi". Và cái Phố Núi mà tôi đặt chân đến khởi đầu cho giai đoạn “chàng thì đi vào nơi gió cát“ đó là Thành Phố PLEIKU.
Ra khỏi lòng phi cơ C.130, bước xuống Phi Trường Cù Hanh, tôi cảm thấy lạnh, dẫu lúc đó mới chỉ 6 giờ chiều. Da thịt của Sài Gòn nhiệt đới đang tiếp xúc với cái lạnh miền cao vào những ngày đầu mùa Đông, tuy hơi khó chịu nhưng khoan khoái. Chính cái lạnh và một chút hơi sương đã làm cái đầu tôi “hạ hỏa“, khi phải tiếp nhận cùng lúc những tiếng ồn ào của động cơ các loại máy bay và xe quân sự, cùng với sự nhộn nhịp của ba lô, mũ sắt và súng đạn ra vào phi cơ và các pháo đài bao cát. Có nghĩa là tôi đang đứng chân trên vùng đất chạm nhẹ là nghe tiếng nổ! Nghĩa là tôi thật sự mất đi sự yên tĩnh của giảng đường, của những thôn xóm quê tôi vào thuở chưa mất đi sự yên tịnh.
Chân tôi đang đặt vào giờ G của những điệp khúc Bi Tráng! Bởi chính từ đây tôi đã đi vào cửa ngỏ của những trận chiến từ ngả ba Biên Giới Việt Miên Lào, xuống đến vùng Bù Gia Mập của Bình Long dọc chân dẫy Trường Sơn; và từ bắc Bình Định vào đến Nam Bình Thuận, dọc theo miền duyên hải. Đó là vùng đất tôi phải đi với tính chất công vụ trong cái lãnh thổ được gọi là Vùng 2 Chiến Thuật.
Tưởng cũng nên phác họa qua về cái Thành Phố mà tôi vừa đến: PLEIKU - Một Phố Núi lưng dựa vào dãy Trường Sơn, Bắc là KONTUM, Nam là DARLAK. Thị Trấn Pleiku nằm trên giao điểm 2 con đường huyết mạch – đường 14 (Bắc Nam,lên Bắc là KonTum, xuống Nam là Darlak; và đường 19 (Đông Tây – dẫn về Bình Định miền Duyên Hải.
Pleiku – Thành Phố rất nhỏ “đi dăm phút đã về chốn cũ“, dân chính cư là người Thượng, nhưng bị đẩy dạt ra vòng ngoài. Bên trong Thành Phố là người Kinh đến từ mọi nơi do tính chất công vụ, gồm có Quân Nhân và Công Chức. Bên cạnh đó có sự sinh hoạt của người ngoại quốc thuộc các Đơn Vị Đồng Minh như Mỹ, Đại Hàn, Phi Luật Tân ...… trú đóng tại các căn cứ ngoại vi Thành Phố. Nhờ cái khối lượng người ngoại nhập này mà Thành Phố Pleiku trở nên nhộn nhịp trên các sinh hoạt Phố Phường. Thành Phố chỉ có 1 rạp ciné “Diệp Kính“ nằm trên khu phố chính cũng có tên gọi là Diệp Kính (là tên 1 người Tàu có công xây dựng khu Phố này). Ở đây, có Hội Quán Phượng Hoàng là nơi giải trí của Sĩ Quan các Đơn Vị trú đóng quanh vùng, gồm có các chương mục ăn uống và ca vũ nhạc. Ngoài ra còn các Quán café khó mà quên như : Café Dinh Điền, café Văn ...
Tôi không mô tả Pleiku trên góc độ Địa Lý Hành Chánh, mà là một Pleiku với những nét Bi Tráng của một thời, không chỉ có Mùa Hè Đỏ Lửa 1972 như Phan Nhật Nam đã viết, mà tất cả bốn mùa của mọi năm đều đỏ lửa. Từng cọng cỏ trên Thảo Nguyên tôi đang sống trên nó, tưởng chừng như đã khô dòn vàng úa trong tầm ảnh hưởng của sức nóng từ các mặt trận dội về .
Giáp mặt với bối cảnh đó trong từng đoạn thời gian đi qua, có bao nhiêu những tráng khúc được viết nên bởi Văn Thơ và Ca Nhạc? Nếu có, cũng dễ dàng bị nhấn chìm trong bụi khói của lửa đỏ. Thậm chí những tình khúc cũng nặng lời tang chế ngậm ngùi bởi mức độ tàn khốc, ác liệt của cuộc chiến càng lúc càng bi thương!
Đỉnh cao của sự bi thương thoát lên từ tiếng thét gào thảm thiết từ các hố chôn người tập thể vào đầu Xuân 1968 ở Huế, dội đến khắp mọi nơi, mọi trái tim người. Đến nỗi vết rạn nứt trong tim mãi còn buốt đau sau hơn 40 năm qua, và mãi mãi không thể nào lành vết và yên ả. Có ai dám tự đứng ra nhận lấy cái trách nhiệm về vết chém Lịch Sử này không?
Chắc là Không !!!!
Càng không chắc về một trách nhiệm với non sông, với dân tộc về một cuộc tháo chạy:
những cuộc đời đi quên lời tiễn biệt
nghẹn lòng đau tha thiết biết chừng nào
Và chính sự tha thiết đến nghẹn lời mà tôi viết khi thấy còn đủ sức để viết về tôi, về bạn tôi, về những thân thương của tôi ... suốt hành trình một đời đi trong gió lốc của một vận nước không may. Dẫu gì tôi cũng muốn để lại cho con cháu tôi một chút di ngôn: "hãy tiếp bước Cha Ông đi về Nguồn bằng cả tấm lòng và nhiệt huyết như khi Cha Ông nhập cuộc lên đường giữ và dựng Nước, với sự thấu hiểu về nguyên ủy lưu vong của gia đình, của những thân thương. Để biết mình phải làm gì không phụ lòng những di ngôn gởi lại. Việt Nam vẫn là cái Nôi hùng khí đáng tự hào. Học lịch sử để làm lịch sử".
Viết để nối tiếp lời theo những người đã viết về thiên anh hùng sử Việt Nam. Rất thật, rất chân thành về Người và Đất Quê Hương trong khát vọng hồi sinh!
Trân trọng cám ơn những tấm lòng ưu ái với Cháu Con.
Cao Nguyên
Cao Nguyên
Những bi khúc
Từ ngả ba Biên Giới(Việt-Miên-Lào), xuống đến vùng Bù Gia Mập dọc chân dãy Trường Sơn. Và ngay những điểm "nóng" của miền duyên hải Trung Phần (từ Bắc Bình Định vào Nam Bình Thuận); Đi và Đến, Thấy và Hiểu cái nghĩa của chữ chiến tranh dưới con mắt của một chiến binh, của một người dân, cái kết thúc trên bất cứ hiện trường nào cũng đều bi đát và tang thương!
Máu, nước mắt, và những tiếng rên đau, tổng hợp thành những bi khúc triền miên. Những bi khúc theo dòng thời gian chưa hề bị gián đoạn trong suốt hơn nửa thế kỷ qua (theo thời điểm mà kẻ viết bài hiện diện), và vẫn còn được viết tiếp khi bước chân của người Việt lưu vong, dẫu đã hay chưa từng đặt lại bước chân mình trên vùng đất Tổ.
Chính tôi cũng đang bị sức cuốn của các bi khúc dẫn dắt vào ngòi bút ngay khi đặt thân tâm mình trên "con đường số 3".
Con đường với những biến cố thời cuộc như một con dốc oan nghiệt mà mệnh số đẩy tôi tuột xuống đáy vực bi thương. Không chỉ mình tôi, cả hàng triệu người cùng chung số phận. Nên nhiều lúc tôi không tin ẩn tích trên những đường chỉ trong lòng bàn tay, khi nhớ lại đã có lần một "ông Thầy" đã phán: đường sinh đạo của nhà ngươi rất là may mắn!!!
Trên một đất nước vừa nghèo đói, lạc hậu, lại bị chiến tranh tàn phá bao nhiêu năm. Thử hỏi những gì còn tồn tại mà không bị tì vết của bi thương hằn dấu? Những thực thể của một quê hương yêu dấu đã bị rạch nát, niềm tin của con người cũng bị băm vụn ra. Không thể nào lắp ghép và hàn gắn nguyên lành cho một tổng thể quê hương hùng vĩ và hoàng tráng.
Có thể nói, khi tôi đặt chân lên vùng đất Tây Nguyên, vừa lúc cuộc chiến Việt Nam lan rộng và vượt lớn ngoài sự tiên liệu, ngay cả các nhà chiến lược cũng không tính được cái dã tâm của cuộc chiến, bi thảm và tàn khốc. Từng khối lửa úp chụp xuống những Thôn Làng, và cả những Thị Trấn, Thành Phố. Trên từng không gian đó, con người luôn ngửi thấy mùi khét cháy của thịt da. Xương máu lấp lánh dưới ánh hỏa châu suốt nhiều đêm, nhiều tuần, nhiều tháng, qua các địa danh mà mỗi khi nhắc đến còn thấy rợn người: A-Shao, A-Lưới, Ban hét, Dakto, Đức Cơ, Đồng Xoài, Bình Giả, An Lộc...
Những điểm đỏ nhấp nháy trên bản đồ chiến trận đã hất tung lên một hợp chất gồm cỏ xanh, lúa vàng, mái tranh, xác xương người...trộn lẫn với hỗn loạn âm thanh của những tiếng thét, tiếng rú, tiếng rên la gào khóc...đã làm thành những bi khúc thời đại.
Cao Nguyên
Đông Bắc Mỹ 2005
Cao Nguyên
Cảm nhận về thơ Cao Nguyên qua bài "Hiện Thực"
Trên diễn trình sáng tạo tác phẩm văn nghệ, người nghệ sĩ cùng tâm đắc một điểm chung – một bài thơ, một truyện ngắn, một bản nhạc, một bức tranh hình thành, phô bày phần đặc thù của chính tác giả, người đã đẻ ra tác phẩm.
Sáng tạo, một ước mơ thường tại, sáng tạo nổi bật tính cách cá biệt chính là ước mơ lớn hơn.
Xã hội Hoa Kỳ ngày nay, nghệ sĩ đúng nghĩa chỉ những thành phần chuyên nghiệp, thì giờ dành sáng tác, không vướng bận, chi phối bởi một công việc nào khác. Họ nghiên cứu, tìm tòi và sáng tác. Sáng tác để có những tác phẩm tốt, vượt qua được thử thách và làm thế nào cho quần chúng độc giả tiếp cận với tác phẩm đó càng nhiều càng quý.
Khuynh hướng thời đại, xã hội hiện thực thịnh hành, trải nghiệm từ thực tế, và mức độ thăng tiến của con người, cùng những vấn đề thiết cốt của đời sống được nhiều người quan tâm.
Nhà thơ Seamus Heaney, Ái nhĩ lan, nhận giải văn chương Nobel 1995 đã phát biểu trong buổi lễ, nhắc lại trách nhiệm, vai trò người làm thơ trong xã hội là khám phá mình và sự phát triển tinh thần chính mình…(*).
Hẳn nhiên, “sáng” và “tạo” nghệ thuật đã hàm chứa ý nghĩa tự do. Sáng tạo thiếu tự do, chỉ thuần sản xuất ra những thành phẩm thông dụng phục vụ đời sống vật chất con người, những thành phẩm ra khỏi dây chuyền vận hành hàng loạt, đáp ứng nhu cầu nhất định, không thuộc phạm trù tinh thần, tri thức.
Xã hội thế giới tự do tôn trọng quyền sáng tạo bao nhiêu, thì xã hội cộng sản – vài quốc gia sót lại, đã tước đoạt một cách thô bỉ quyền sáng tạo bấy nhiêu. Không một ai có quyền buộc người nghệ sĩ phải sáng tạo theo khuynh hướng áp đặt, sáng tạo theo dẫn dắt của người khác, không còn giá trị của sáng tạo từ chính mình.
Sáng tạo đa dạng, phong phú bắt nguồn từ nhiều khuynh hướng nghệ thuật khác biệt: tượng trưng, siêu thực, hiện thực, đa đa, trừu tượng, lập thể v.v.. Khuynh hướng sáng tạo tồn tại song hành, tương tác, hợp lực đẩy cánh cửa nghệ thuật mở rộng, đón nhận ánh sáng thiện mỹ chiếu rọi vào.
Người nghệ sĩ sáng tạo cũng đã kiếm tìm khuynh hướng thích hợp, đồng thời cũng đã phối hợp, học hỏi kinh nghiệm, rút tỉa những khuynh hướng kinh qua, tuy thế, khuynh hướng hiện thựchầu như đã trải bày trước mắt xã hội và thời đại mà người nghệ sĩ không thể vô tình quay lưng.
Trên đường đến với thơ, một khung cảnh hiện diện giữa đời thường đủ sắc, âm, hình tượng đã lay gọi cảm xúc của nhà thơ, đẩy vào tận tâm can nhà thơ, niềm bứt rứt, ưu tư:
Trên đường đi hiện thực
Từng cung bậc sắc âm
Đã làm anh thao thức
Và thơ lại trở mình
Dây đàn hiện thực đang rung lên cung điệu, lúc nhẹ buồn, lúc sôi vui; buồn, vui đan quyện, có khi đã va chạm, tiếng cười, tiếng khóc cũng hòa thanh, vỡ òa thành vết rạn của mạch sống chơi vơi, nối liền vùng sâu thẳm tâm thức bằng nỗi đau dằn xoáy:
Mỗi buồn vui va chạm
Tiếng cười khóc bỗng dưng
Từng mạch đời vỡ rạn
Xoáy đau buốt tận cùng
Như vừa chạm mặt thực tại phũ phàng, vừa phải nhìn một hiện tượng bi thảm – bản thể đối diện không thể nào cúi mặt, quay lưng – ngay giờ phút này, giữa mặt bằng xã hội bon chen, xuôi ngược, tất bật, guồng sống lao động vội vã, nhọc nhằn, con người thiếu vắng nụ cười trên môi khô nẻ, lộ ra những tia nhìn trong đôi mắt âu lo, phiền lụy. Bên góc phố, người mẹ đang bán từng giọt máu chính mình, đổi vài đồng bạc nuôi nấng con thơ:
Như chẳng thể quay lưng
Trên nỗi buồn rất thật
Mẹ bán máu nuôi con
Giữa trưa đời tất bật
Dù không chỉ rõ hiện thực, nơi chốn, người đọc cũng hình dung ra được cái xã hội hôm nay trên quê nhà, cố quận, những cảnh tượng quen thuộc, hầu như đã trở nên bình thường, những bi đát, khốn đọa thường trực chụp lên kiếp con người dưới chế độ độc tài cộng sản…
Mẹ bán máu nuôi con và kể sao hết bao nhiêu người con gái thơ ngây, xuân sắc đã phải bán thân nuôi cha mẹ. Bao nhiêu trẻ mồ côi, vất vưởng đầu hè cuối chợ, chờ xin bố thí kẻ qua đường… và hàng đêm, bao hài nhi vừa mở tiếng khóc chào đời, đã phải chia tay người mẹ vì nghèo đói, mẹ mang con bỏ mặc ngoài cửa bệnh viện gần xa, hoặc bên ngoài hàng rào chùa chiền hẻo lánh!
Giữa mặt thật không chối cãi, không thể che giấu ấy, những bộ mặt giả trá trơ trẽn xuất hiện, khoác áo sang cả dệt bằng máu và tiền mồ hôi nước mắt người dân. Lũ xác người, dạ sói chễm chệ trên đau thương khổ nhục của xã hội người. Hưởng thụ và vơ vét, tước đoạt cả đến quyền cơ bản sơ đẳng của con người!!
Nhân chứng của hiện thực, nhà thơ trào dâng ẩn ức, xót xa… những hơi thở vắn dài dung thông cùng thân phận đồng loại. Cái tâm bất lực chăng? Mỏi mệt, suy kiệt đang báo động, trước tha nhân rộn ràng, lạnh nhạt, đã cạn khô từ lâu giọt nước mắt:
Em bảo đừng thở dài
Cho ngày mai đỡ lạnh
Sao tâm anh mệt nhoài
Trong mắt người ráo hoảnh
Em cùng có chung thao thức, suy nghĩ khi phải đối diện bất ưng, bẽ bàng, em lại ái ngại thái độ tỏ bày, và tự nhiên câm nín, nén những hơi thở dài sẻ chia cùng nghịch cảnh. Anh nhạy cảm hơn, tựa hồ căn bệnh dị ứng thời tiết mỗi khi hai luồng khí sắc âm dương thay hướng đổi chiều.
Thực tại chúng ta đang chứng kiến một sân khấu của vở kịch buồn, nỗi buồn dai dẳng không tên gọi, nỗi buồn cay đắng làm biến dạng cả nụ cười, làm tê liệt cả bờ môi con người, đáng lẽ rất cần đến nụ cười tăng lực phần nào đời sống. Thiên hạ, loài người không cười được, dù là cười gượng, bởi rõ ràng ước mơ và khát vọng đã bị dập vùi, chôn chặt:
Rõ rồi em, anh biết
Cười tê liệt bờ môi
Bởi những điều tha thiết
Đã khánh kiệt lời vui
Phải chăng, một ám thị minh chứng cái xã hội bất công, sa đọa, đang chìm sâu vào tận cùng địa ngục.
Hiện thực phơi trải lạnh lùng. Hiện thực của buổi ban sơ hồng hoang, câm lặng. Lẽ vô thường của nhà Phật mở sáng định luật cho ý thức con người… đừng bi quan trong giòng sống, nhưng chuyện vô thường chồng chất lên không gian hiện hữu, gieo rắc cho con người những vấn nạn, những hoài nghi, cùng những chán chường, bất mãn.
Chuyện vô thường – những mũi dao trủy thủ, những mũi dao nhọn hoắt, tàn nhẫn đâm vào tâm huyệt của con người vốn rung động yêu thương. Tận diệt yêu thương giữa cõi đời, đồng nghĩa với hành tinh đang trở về thời hoang rợ, hư vô:
Có phải anh đã gặp
Quá nhiều chuyện vô thường
Như mũi dao cắm phập
Vào khát vọng yêu thương
Sống là yêu thương, cõi đời, một vũ trụ biết yêu thương. Kinh Thánh cho thấy trời đất đã được dựng nên hoàn hảo, bằng thể chất, trong đó tình yêu thương tuyệt diệu cũng được khai mở trog vườn Ê-đen của một cặp vợ chồng.
Tình yêu thương ấy theo chiều dài thời gian đến tận điểm cuối cùng Chung Thủy. Những thế hệ con người được bồi dưỡng, chắp cánh bằng những dòng triết lý rút tỉa từ thực tế xã hội từ thấp đến cao. Ý thức hệ nhà Nho đề cao, mẫu mực: Trung, Hiếu Tiết Nghĩa.
Một dân tộc trải qua hơn bốn nghìn năm văn hiến, lẽ ra phải duy trì được nguồn gốc đạo lý, thu nạp được cái tinh hoa và đào thải những gì là cặn bã, trái ý trời và lòng người. Nhưng tiếc thay, khốn khổ thay, xã hội hiện thực ngày nay dưới tay một chế độ còn lạc hậu, lỗi thời, chạy theo đuôi Mac-xit, vô hình chung phủ nhận tất cả công lao xây dựng đất nước của tiền nhân hào hùng, bất khuất – lấy dân làm gốc, bắt nguồn tư duy tôn trọng bản vị con người. Bóng dáng biểu tượng loài chim Quốc đang phảng phất, ẩn hiện trên sông núi quê nhà, đồng vọng tiếng khóc yêu thương chung thủy:
Em hiểu loài chim Quốc
Khi biết bạn chết rồi
Tự treo mình khóc suốt
Miệng rỉ máu hồng tươi
Cao Nguyên dẫn tình cảm thâm sâu của quý điểu đối với đồng loại, soi sáng và bồi dưỡng cho lòng người tình yêu quê hương, đất nước. Giọt nước mắt của con người trước đọa đày, cùng khốn của tha nhân, giữa vòng vây của xã hội tràn ngập tội ác, cũng là nguồn an ủi, sẻ chia chính đáng.
Cái xã hội, tập đoàn cộng sản đang thống trị tại quê nhà, rêu rao cường điệu tựa bối cảnh thời Gia Tĩnh trong Kim Vân Kiều truyện (Bốn phương vắng lặng hai kinh vững vàng). Thực tế, chế độ ấy đang ngồi trên núi lửa. Mâu thuẫn xã hội gay gắt, sâu rộng; đạo lý kỷ cương sa đọa, bóc lột, tham nhũng tràn lan, pháp luật của riêng phường thảo khấu v.v..
Địa danh tổ quốc Việt Nam nghìn đời vẫn tuyệt vời, khí thiêng linh diệu truyền thống bất khuất rạng ngời sử sách, mà con người dân Việt vẫn chưa thoát ra được vòng vây sắt máu duy vật tàn ác, lỗi thời:
Mặt đất thì tuyệt vời
Người gian nan lắm nỗi
Thấm thía hiện thực cay đắng trên quê hương, Cao Nguyên nhìn vào nhân thế bằng xót thương, nhân ái. Cái tâm của nhà thơ thể hiện bằng những dòng thơ day dứt, khắc khoải, bằng thái độ chân thành của một nhân chứng lương hảo.
Không ai xóa sạch hoàn toàn dấu vết của hiện thực. Hiện thực là cái “nhân” của xã hội lòi ra rõ nét. Qua đó, không chỉ tôn vinh nhân đạo, tư tưởng phổ biến và đang được rao truyền rộng rãi giữa hành tinh trái đất, Cao Nguyên ước vọng, dự phóng con người rồi ra, sớm hoặc muộn cũng sẽ tỉnh thức, hối lỗi, ăn năn, đồng thời cũng được tha thứ.
Có thể nào một tối
Nhìn nhân loại xếp hàng
Chờ phiên mình hối lỗi
Trước những nỗi lầm than
Tính thiện, tình người nở rộ màu vàng rực rỡ, Tàn ác, bất lương sẽ tự diệt. Con người đã thấy lần nữa địa đàng, và lắng nghe lời thiêng Trời Đất rằng “quê hương con người phải xây dựng thành thiên đàng, và trong tâm của mỗi con người cũng tự hóa thành thiên đường vĩnh cửu:
Rồi địa đàng mở cửa
Hoa nhân ái rực vàng
Và tim người bốc lửa
Làm rạng rỡ trần gian!
Diên Nghị
---------------------------
(*) tạp chí Thơ số Mùa Đông 1995.
( Trích trong tuyển tập Cõi Thơ tìm gặp phát hành tháng 3/ 2009 )
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét